Tiếp và làm việc với đoàn có GS. Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Bùi Đức Hùng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Đại học, PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học, PGS. Trần Ngọc Khiêm - Phó Giám đốc Đại học; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Đại học.
Những con số biết nói về kết quả đổi mới học tập lý luận chính trị
Xác định được tầm quan trọng của Kết luận 94 - KL/TW, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, GS. Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã trình bày báo cáo tổng kết quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Kết luận số 94-KL/TW tại Nhà trường trong thời gian qua.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Kết luận 94-KL/TW, Đảng ủy và Ban Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, thành lập các tổ công tác chuyên trách, tổ chức hội thảo, tọa đàm và triển khai những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị. Từ năm 2019, chương trình giảng dạy lý luận chính trị được điều chỉnh từ 4 lên 5 học phần, với trọng tâm là gắn lý luận với thực tiễn và ứng dụng chuyển đổi số trong phương pháp giảng dạy.
GS. Lê Anh Tuấn báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 94-KL/TW của Đại học Bách khoa Hà Nội Đến nay, Khoa Lý luận chính trị có 27 giảng viên thuộc 5 nhóm chuyên môn, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng quản lý trong môi trường số.
Năm 2023, Trung tâm Chuyển đổi số, Đại học Bách khoa Hà nội được thành lập nhằm thực hiện chuyển đổi số giáo dục, phát triển nền tảng học tập số, hỗ trợ đào tạo Blended Learning (B-learning), trong đó có các môn lý luận chính trị.
Từ năm 2020 đến 2024, số sinh viên học theo hình thức B-Learning tăng từ 204 lên 2.651 – gấp hơn 13 lần. Toàn bộ tài liệu đã được số hóa với 100% lưu trữ trên hệ thống quản lý học tập LMS.
Các đại biểu Bách khoa Hà Nội tích cực trao đổi tại buổi làm việc
Số lượt sinh viên đăng ký học phần lý luận chính trị đạt hơn 35.000 trong năm học gần nhất. Khảo sát năm học 2023–2024 cho thấy mức độ hài lòng của sinh viên đạt 3.4/4 điểm – một con số tích cực đối với nhóm học phần vốn được xem là “khô khan”.
Cùng với việc triển khai Kết luận 94-KL/TW, Đại học Bách khoa Hà Nội còn tích cực thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hơn 500 bài dự thi chính luận được gửi tham dự các cuộc thi trong và ngoài trường, trong đó có 4 tác phẩm xuất sắc được vinh danh tại Thành ủy Hà Nội. Đây là minh chứng sinh động cho sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong đào tạo lý luận chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục như: Một số nội dung chương trình còn hàn lâm; Giảng viên chưa đồng đều về kỹ năng công nghệ; Sinh viên còn thụ động trong học tập, chịu tác động tiêu cực từ mạng xã hội.
Từ thực tiễn đó, Nhà trường kiến nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các văn bản về đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là trong bối cảnh mới sau sự ra đời của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Tiếp tục hỗ trợ công tác chuẩn hóa nội dung, cập nhật giáo trình; Tăng cường chuyển đổi số, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên Lý luận chính trị về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, thông tin thời sự,...
“Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những cố gắng đáng nghi nhận!”
Đó là phát biểu của đồng chí Ngô Đông Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sau khi lắng nghe báo cáo của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đồng chí Ngô Đông Hải ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của thầy và trò Bách khoa trong việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW. Báo cáo của Đại học Bách khoa Hà Nội đã toát lên tinh thần thẳng thắn nhìn nhận kết quả, không tránh né hạn chế còn tồn đọng.
Hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW đã ghi dấu một giai đoạn đổi mới mạnh mẽ và thực chất trong công tác giáo dục chính trị tại Đại học Bách khoa Hà Nội, không chỉ “học để biết” mà còn “học để làm”, để sống có trách nhiệm, có lý tưởng.
Những kết quả đạt được không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, mà còn là nền tảng vững chắc để Nhà trường tiếp tục lan tỏa giá trị lý luận chính trị, xây dựng thế hệ trí thức trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, khẳng định vai trò tiên phong của đại học kỹ thuật trọng điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng trong tình hình mới.
Một số đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Thành uỷ Hà Nội... đặt câu hỏi đánh giá cho Đại học Bách khoa Hà Nội
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Đông Hải đề nghị Ban Thường vụ, Ban Tuyên giáo và Dân vận - Thành uỷ Hà Nội dành nhiều quan tâm tới các tổ chức Đảng tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt trong công tác triển khai Kết luận số 94-KL/TW.
Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương mong muốn Đảng uỷ Đại học tiếp tục sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, đảm bảo lý luận đi vào thực tiễn đời sống.
Với Ban Giám đốc Đại học, cần định hình rõ vai trò của lý luận chính trị không đơn thuần là các học phần đại cương mà là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước trong việc hình thành nhận thức, tư duy của thế hệ tương lai.
Từ thực tiễn khảo sát và những ghi nhận tại buổi làm việc, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, trao đổi và kiến nghị từ Đại học Bách khoa Hà Nội để đưa vào báo cáo cụ thể, đồng thời tham mưu, đề xuất những điều chỉnh, bổ sung cần thiết.
Nguồn: Đại học Bách khoa Hà Nội
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn